Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 39/2023 về khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Theo thông tư mới thay thế Thông tư 54/2018 có hiệu lực từ ngày 15/2., doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt tàu thuyền có trách nhiệm cung cấp tàu lai với số lượng và công suất theo quy định tại nội quy cảng biển khu vực.
Giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền cho một lượt lai dắt bằng tích số của giá lai dắt tương ứng quy định với thời gian lai dắt thực tế.
Thời gian lai dắt thực tế được tính từ thời điểm tàu lai bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai dắt cho đến khi kết thúc theo yêu cầu của thuyền trưởng tàu được lai dắt và hoa tiêu hàng hải dẫn tàu.
Đáng chú ý, quy định mới có những cách tính giá mới với dịch vụ lai dắt tàu thuyền. Cụ thể, trường hợp thời gian lai dắt thực tế nhỏ hơn 1 giờ được phép làm tròn là 1 giờ.
Thời gian lai dắt thực tế để tính giá dịch vụ tối đa là 2 giờ. Trường hợp thời gian lai dắt trên 2 giờ phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu, giá lai dắt chỉ được tính bằng 10% khung giá của 1 giờ cho toàn bộ thời gian lai dắt vượt quá 2 giờ.
Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất của tàu lai lớn hơn mức quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải tại khu vực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng và công suất tàu lai quy định tại nội quy cảng biển khu vực và khung giá để tính giá dịch vụ lai dắt.
Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất lớn hơn mức quy định tại nội quy cảng biển khu vực, theo yêu cầu của cảng vụ, hoa tiêu, thuyền trưởng hoặc hãng tàu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng, công suất tàu lai thực tế và khung giá để tính giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền.
Lý giải của Cục Hàng hải VN, việc quy định thời gian lai dắt trên 2 giờ phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc đại diện chủ tàu được lai, hoa tiêu và cảng vụ hàng hải khu vực nhằm tăng việc giám sát thời gian lai dắt đối với doanh nghiệp còn tính chất độc quyền, khai tăng thời gian để tính giá dịch vụ.
Hiện nay, mức giá lai dắt có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Mức giá phụ thuộc vào doanh nghiệp áp dụng mức giá tối thiểu hay mức giá tối đa và thời gian lai dắt thực tế tàu thuyền vào cảng.
Trong đó, mức giá cao xuất hiện tại một số khu vực cảng biển có tính chất độc quyền, hoặc một số doanh nghiệp cảng tự cung cấp dịch vụ lai dắt mà không có sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Các công ty lai dắt thường tính theo khung giá tối đa và tăng thời gian lai dắt thực tế. Do tính chất độc quyền và không có sự lựa chọn dịch vụ nên chủ tàu phải chấp nhận mức giá mà công ty lai dắt đưa ra.
Để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần làm việc với các công ty lai dắt và giao cảng vụ hàng hải tăng cường kiểm tra, giám sát thời gian lai dắt thực tế, tránh trường hợp công ty tàu lai nâng thời gian lai dắt và nâng cao giá dịch vụ.